Sau 32 năm, Home Alone vẫn thu hút khán giả, giúp phim đứng trong danh sách những tác phẩm Giáng sinh ăn khách nhất mọi thời đại.
Khi thực hiện bộ phim năm 1990, đạo diễn Columbus cho biết ông có tham vọng về một tác phẩm trường tồn với thời gian. Anh ấy nói với đoàn làm phim: “Khi tác phẩm được chiếu sau 20, 25, 30 năm nữa, tôi muốn nó vẫn có cảm giác mới mẻ, như thể nó mới được quay ngày hôm qua.”
Tham vọng của Columbus đã trở thành hiện thực. Lần đầu công chiếu tại Chicago vào tháng 11/1990, tác phẩm đứng đầu phòng vé suốt 12 tuần, thu về gần 500 triệu USD toàn cầu dù kinh phí đầu tư chỉ 15 triệu USD. Phim vượt qua nhiều tên tuổi đình đám lúc bấy giờ như Ghost, Dances With Wolves, Pretty Woman … Sáu tháng sau khi phát hành, Ở nhà một mình vẫn vững vàng trong top 10 phòng vé.
Theo nhà biên kịch kiêm tiểu thuyết gia William Goldman, chưa từng có bộ phim Giáng sinh nào có sức sống bền bỉ như vậy. Năm 2011, tác phẩm đứng thứ ba trong danh sách phim ăn khách toàn cầu, sau Star War và ET . Hiện tại, hai phần của Ở nhà một mình đang lần lượt xếp thứ hai và thứ ba trong danh sách phim ăn khách mùa Giáng sinh, sau The Grinch (2018).
Câu chuyện kể về cậu bé Kevin McCallister, tám tuổi, bị gia đình bỏ rơi và phải đối phó với hai tên trộm trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Tình huống tưởng như dồn nhân vật vào tình thế cô đơn, tuyệt vọng này được đạo diễn Chris Columbus xử lý theo phong cách hài hước, nhẹ nhàng.
Thời báo New York gọi tác phẩm là “bộ phim hài đen về chủ đề Giáng sinh đầu tiên dành cho trẻ em”. Cuộc chiến giữa cậu bé Kevin và hai tên trộm giúp người xem giải tỏa căng thẳng, thỏa mãn những suy nghĩ đen tối nhất mà không để lại hậu quả gì.
Ý tưởng “ở nhà một mình” của phim cũng là mong ước của rất nhiều trẻ nhỏ. Cậu bé có thể trượt băng trong nhà, ăn bao nhiêu tùy thích và đột nhập vào phòng của anh trai mình. “Trò hề của Kevin đánh vào khát khao nổi loạn đang chớm nở trong mỗi đứa trẻ”, tờ Washington Post bình luận. Tác phẩm gửi gắm thông điệp về trách nhiệm và sự trưởng thành. Khi cuộc phiêu lưu lên đến cao trào, cậu bé học cách giặt giũ, mua sắm ở cửa hàng tạp hóa, chứng tỏ mình có thể tự lập mà không cần cha mẹ. Vì vậy, trải nghiệm “ở nhà một mình” cũng là cơ hội tuyệt vời cho Kevin, khi anh và gia đình đồng thời khám phá ra giá trị bản thân. Thông điệp dễ dàng gây được tiếng vang với khán giả ở mọi lứa tuổi, những người từng mất lòng tin, đang đấu tranh để xác định bản ngã.
Diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên tạo nên sức hút. Khi Ở nhà một mình ra mắt năm 1990, Kevin McAllister, do Macaulay Culkin thủ vai, nhanh chóng trở thành anh hùng của mọi đứa trẻ nhờ trí thông minh, sự hóm hỉnh và lòng dũng cảm. Joe Pesci và Daniel Stern trong vai những tên trộm Harry và Marv, những kẻ phản diện ngớ ngẩn, đen đủi. Theo nhà sản xuất, khi nhân vật chính là một đứa trẻ, nhân vật phản diện không thể quá mạnh mẽ và đen tối, bởi điều đó làm giảm đi sự thú vị và hài hước. Ngoài tuyến nhân vật chính, vai ông già Marley do Roberts Blossom thủ vai cũng được khán giả yêu thích. Nhân vật ban đầu xuất hiện với vẻ ngoài cộc cằn, khó gần, là kẻ thù của lũ trẻ hàng xóm nhưng sau đó lại trở thành bạn của Kevin, cùng anh chia sẻ những buồn vui của gia đình.
Nhà phê bình phim Roger Ebert nói Ở nhà một mình thành công nhờ tạo ra bầu không khí hoài cổ. Ông gọi nhà biên kịch John Hughes là thiên tài trong việc tái hiện những ký ức tuổi thơ mang lại sức sống bền bỉ cho bộ phim. Clay Routledge, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học North Dakota State, cho rằng phim gợi lên những cảm giác buồn vui lẫn lộn: “Phim kể về hành trình của một cậu bé, khiến người xem nhớ lại ký ức tuổi thơ của chính họ”. Hai nhà quay phim, Julio Macat, nói với tờ báo Chicago rằng họ định vị cảnh quay từ góc nhìn của một đứa trẻ, đặt máy quay ở các điểm thấp hơn bình thường. Ngoài ra, ánh sáng được đẩy lên cao vì theo họ, trẻ em thường nhìn sự vật một cách phóng đại.
Kịch bản phim được viết bởi John Hughes, nhà biên kịch nổi tiếng của Hollywood những năm 1980. Trước đó, John Hughes đã đưa cho đạo diễn Chris Columbus kịch bản National Lampoon’s Christmas Vacation. Tuy nhiên, anh không thể hòa hợp với nam chính Chevy Chase của phim nên đã từ chối dự án. Hai tuần sau, John Hughes đưa cho Columbus kịch bản Ở nhà một mình. Vị đạo diễn này ngay lập tức liên hệ với nhà soạn nhạc huyền thoại John Williams để viết ca khúc này, giúp bộ phim được đề cử Original Score và Original Song tại giải Oscar. Nhiều người cho biết chỉ cần nghe đoạn nhạc quen thuộc trong phim, hình ảnh Kevin chơi khăm hai tên trộm lập tức hiện lên trong đầu.
Vox nhận xét: “Có lẽ sự hợp tác của các đối thủ nặng ký của Mỹ đã khiến Home Alone thành công lâu dài trên toàn thế giới. Theo trang Culture của Ba Lan, tác phẩm là phim trụ cột tại quốc gia này trong nhiều năm, thu hút khoảng 1/3 dân số đến xem xem mỗi mùa Giáng sinh.
Hà Thu (theo Vox, Cbr )