Dân số của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức cao kỷ lục 450,4 triệu người trong năm 2024, theo số liệu mới nhất của cơ quan thống kê Eurostat.
Con số này chủ yếu được thúc đẩy bởi làn sóng di cư vào EU. Trong bối cảnh số người qua đời nhiều hơn số trẻ em chào đời, di cư đã trở thành yếu tố then chốt giúp dân số EU tăng trưởng.
Dân số EU tăng trưởng nhờ di cư
Từ năm 2012 đến nay, EU đã ghi nhận số người qua đời nhiều hơn số trẻ em chào đời. Điều này đã khiến di cư trở thành động lực duy nhất giúp dân số nội khối tăng trưởng.
Trong năm 2024, dân số EU tăng thêm 1,07 triệu người. Tuy nhiên, nếu không có dòng người di cư, dân số tự nhiên của EU đã giảm 1,3 triệu người do có 4,82 triệu người qua đời và chỉ có 3,56 triệu trẻ sơ sinh chào đời.
Lượng di cư ròng đạt 2,3 triệu người đã giúp EU duy trì đà tăng dân số. Đức, Pháp và Italy tiếp tục là 3 quốc gia đông dân nhất trong khối, chiếm gần 50% dân số toàn EU.
Xu hướng già hóa dân số ở châu Âu
Xu hướng già hóa dân số đang trở thành một thách thức lớn đối với châu Âu. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng đang gây áp lực lớn đối với hệ thống phúc lợi và thị trường lao động của khu vực.
Đã có 19 trong số 27 nước thành viên EU ghi nhận mức tăng dân số trong năm 2024, trong khi 8 nước tiếp tục xu hướng giảm. Malta dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với 19 người trên mỗi 1.000 dân.
Thách thức đối với chính sách di cư
Eurostat nhận định sự gia tăng dân số gần đây phần lớn đến từ việc lượng người di cư tăng mạnh trở lại sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Nhiều chính phủ vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn nhằm xoa dịu lo ngại của công chúng. Bỉ, Ba Lan, Đức và Hà Lan đều đã tái lập kiểm tra biên giới tạm thời trong hơn 18 tháng qua.
EU đã triển khai hệ thống di cư mới nhằm giảm thiểu các ca nhập cư bất hợp pháp và đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ xin tị nạn.