Trang chủ Nghệ thuật 50 Năm Văn Học, Nghệ Thuật TP HCM: Phát Huy Truyền Thống, Vươn Tới Tương Lai

50 Năm Văn Học, Nghệ Thuật TP HCM: Phát Huy Truyền Thống, Vươn Tới Tương Lai

bởi Linh

Chiều 16-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM tổ chức tọa đàm “50 năm văn học, nghệ thuật TP HCM – Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”.

Những Dấu Ấn Rực Rỡ Của Văn Học, Nghệ Thuật TP HCM

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM – cho biết tọa đàm được tổ chức với mục đích tiếp tục trao đổi, lắng nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ góp ý, đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả việc xây dựng, phát triển văn học – nghệ thuật TP HCM trong thời gian tới.

Ban tổ chức tọa đàm đã nhận được 86 tham luận, qua thẩm định đã thống nhất chọn 65 tham luận để biên tập kỷ yếu. Nội dung các tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau đối với các nhóm chủ đề về thành tựu đạt được và giải pháp xây dựng, phát triển văn học – nghệ thuật TP HCM sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát Huy Truyền Thống, Vươn Tới Tương Lai

Các văn nghệ sĩ và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP HCM tại tọa đàm “50 năm văn học, nghệ thuật TP HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” Các văn nghệ sĩ và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP HCM tại tọa đàm

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, khẳng định các hoạt động văn học – nghệ thuật của TP HCM trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những yêu cầu đặt ra đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Lĩnh vực âm nhạc với hàng loạt tác phẩm nổi bật như: “Mùa xuân trên TP HCM” (tác giả Xuân Hồng, sáng tác năm 1975), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách), “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: nguyễn Nhật Ánh)…; điện ảnh có những tác phẩm mà chỉ cần nhắc tên thôi đã mang đến niềm tự hào to lớn như phim “Cánh đồng hoang” (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), “Ván bài lật ngửa” (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), “Xa và gần” (đạo diễn Huy Thành), “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)… TP HCM được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Toàn thành phố có 38 cụm rạp chiếu phim với trên 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4 triệu lượt khán giả/năm.

Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, TP HCM đã nộp hồ sơ đăng ký gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh”, với kỳ vọng sẽ được công nhận là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á.

Chú Trọng Đào Tạo, Không Ngừng Nâng Chất

Các văn nghệ sĩ tham gia tọa đàm đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đánh giá cao việc làm của TP HCM trong việc thực hiện công tác này. Theo không ít các đại biểu, việc TP HCM ban hành kế hoạch thực hiện “Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao TP HCM” đã cho ra đời nhiều tài năng như: NSƯT Linh Nga (múa), Đinh Nhật Minh (âm nhạc dân tộc), Hoàng Ngọc Anh Quân (Clarinet)…

Các đơn vị nghệ thuật ở TP HCM cũng quan tâm thực hiện những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ ngoại thành và vùng nông thôn mới, các mô hình phục vụ thiếu nhi hấp dẫn, mang tính giáo dục cao; chương trình “Sân khấu học đường” phục vụ học sinh, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian, truyền thống, góp phần hiệu quả trong bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật có sự tham gia của CLB Sân khấu Lạc Long Quân thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang.

Nhận Thức Rõ Trách Nhiệm

Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP HCM đã triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP HCM đến năm 2035” nhằm góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế. Theo đó, TP HCM đã đầu tư nhiều công trình, thiết chế văn hóa trọng điểm theo hình thức đầu tư công và đối tác công – tư, nổi bật có các công trình như: Rạp Xiếc, Biểu diễn đa năng Phú Thọ, Nhà Thiếu nhi thành phố, Bảo tàng Tôn Đức Thắng…

Tuy nhiên, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học – nghệ thuật của TP HCM vẫn còn những bất cập. Đó là, những kết quả đạt được chưa ngang tầm vị trí, vai trò, khả năng và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển; những tác phẩm văn học – nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật chưa nhiều; hoạt động lý luận và phê bình văn học – nghệ thuật chưa theo kịp yêu cầu hiện nay, một số tác phẩm chạy theo thị hiếu, chất lượng thấp; hiện tượng xâm hại tác quyền trên các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh và các ngành văn học – nghệ thuật khác vẫn tồn tại, chưa được khắc phục hiệu quả.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy của đất nước, TP HCM đứng trước sứ mệnh giữ vị trí là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của quốc gia; đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của cả nước, ông Nguyễn Mạnh Cường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh: “Được sống, lao động, sáng tạo trong hòa bình, chúng ta càng phải thấy trách nhiệm của mình với đất nước, với thành phố. Từ đó không thể chỉ làm nghệ thuật vì đam mê mà phải làm nghệ thuật vì nhân sinh và trên hết phải vì Tổ quốc”.

Có thể bạn quan tâm